TỔNG QUAN VỀ HỢP TÁC THƯƠNG MẠI

VIỆT NAM - NHẬT BẢN

 

Hiện nay, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong lịch sử kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2009 và đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á từ tháng 3/2014. Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất trên nhiều lĩnh vực. Điều đó thể hiện không chỉ thông qua các chuyến thăm chinh thức cấp cao giữa chinh phủ hai nước thời gian qua mà còn thể hiện trong kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu song phương trong suốt những năm gần đây.

Trong thời gian qua, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Năm 2020 Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt gần 40 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.

Một số cơ sở pháp lý và cơ chế hợp tác hiện hành trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản

Cơ sở pháp lý:

- Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) có hiệu lực từ ngày 01/12/2008.

- Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ ngày 01/10/2009.

- Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 30/12/2018.

- Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được 15 nước thành viên RCEF (trừ Ấn Độ) ký kết vào ngày 15/11/2020.

Cơ chế hợp tác:

Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng: được 2 nước thành lập với cấp chủ trì là Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI). UBHH được tổ chức họp luân phiên hàng năm (Phiên họp lần thứ 5 dự kiến tổ chức tại Nhật Bản vào năm 2021).

 

1

Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng (UBHH) được tổ chức tại Việt Nam vào chiều ngày 07/8/2020 theo hình thức họp trực tuyến

 

Riêng tại khu vực Kansai:

- Biên bản ghi nhớ về hợp tác được ký kết giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam với các địa phương Nhật Bản ở khu vực Kansai (Ví dụ: Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Hyogo; Thành phố Đà Nẵng và Phủ Osaka; Tỉnh Đồng Nai và Cục METI Kansai; Thành phố Đà Nẵng và Thành phố Sakai; Tỉnh Quảng Nam và Thành phố Kinokawa....).

- Biên bản ghi nhớ về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Cục METI Kansai (được duy trì liên tục từ khi ký kết lần đầu vào tháng 11/2012) và với tỉnh Wakayama (được ký từ tháng 10/2018).

Tình hình hợp tác thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản

Kể từ năm 2008 tới nay, nhờ vào các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà hai nước cùng tham gia ký kết gồm AJEPA, VJEPA, CPTPP, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều điều kiện thuận lợi để ngày càng phát triển giúp Nhật Bản trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Đồng thời, theo thống kê của Nhật Bản từ năm 2017, Việt Nam đã chính thức vượt qua Indonesia giành vị trí là quốc gia đứng thứ 9 trong số 10 quốc gia trên thế giới có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất với Nhật Bản (tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3,767.2 tỷ Yên, chiếm tỷ trọng 2,5%). Năm 2019, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 8 trong số 10 quốc gia có quan hệ thương mại lớn nhất với Nhật Bản, tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nhật Bản tăng lên 2,7%.

Năm 2020, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với Nhật Bản đạt 39,6 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới, là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Về xuất khẩu, Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch gần 19,3 tỷ USD. Về nhập khẩu, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 với kim ngạch 20,3 tỷ USD. Việt Nam nhập siêu từ Nhật Bản khoảng 1,0 tỷ USD, giảm 233,3% so với năm 2019.

 

2

Số liệu cập nhật đến tháng 12/2020

 

Trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 13,7 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2020. Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 6,6 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2020. Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 7,1 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam nhập siêu từ Nhật Bản khoảng 470,7 triệu USD, tăng 891,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong cơ cấu thương mại giữa hai nước có điểm nhấn là sự bổ sung lẫn nhau và ít có sự cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Việt Nam chủ yếu sản xuất và xuất khẩu sang Nhật Bản các loại hải sản, dầu thô, dệt may, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại...Trong khi đó, nhập khẩu từ Nhật Bản chủ yếu là những mặt hàng phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ô tô, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, kim loại….

 

3

Số liệu cập nhật đến tháng 12/2020

 

Kim ngạch xuất nhập khẩu của riêng khu vực Kansai và Việt Nam

Theo thống kê của Hải quan Nhật Bản thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa vùng Kansai và Việt Nam cả năm 2020 là 9,39 tỷ USD; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Kansai đạt 4,67 tỷ USD, tăng 0,61% so với năm 2019, nhập khẩu của Việt Nam từ Kansai đạt 4,72 tỷ USD, giảm 4,77% so với năm 2019.

Tính riêng trong tháng 4/2021 tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa vùng Kansai và Việt Nam đạt 975,5 triệu USD tăng 23,91% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu đạt 531,9 triệu USD, tăng 43,5% chiếm 3,6% trong tổng giá trị xuất khẩu của vùng Kansai, nhập khẩu đạt 443,6 triệu USD, tăng 6,3% và chiếm 3,8% trong tổng giá trị nhập khẩu của vùng Kansai. Tổng 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa vùng Kansai và Việt Nam đạt 3,47 tỷ USD tăng 8,03%; trong đó xuất khẩu đạt 1,79 tỷ USD, tăng 8,69% so với năm 2020, nhập khẩu đạt 1,68 tỷ USD, tăng 7,34% so với năm 2020./.

(06/2021)